Dong ho doc - Có lẽ bởi cái nghiệp đi đây đi đó, rồi một vài người trong nhóm truyền thông thường trú tại Moskva sưu tầm đồng hồ Liên Xô, tôi cũng lạc lối trong thế giới đầy sắc thái và thú vị này.
Đồng hồ Raketa (РАКЕТА) được sản suất từ năm 1961 sau sự kiện Gagarin bay vào vũ trụ. Hai chiếc Raketa thuộc dòng đặc sắc của Liên Xô.
Ngành công nghiệp hùng mạnh
Những cuộc “tăm tia” ở các chợ đồ cũ, chuyện trò vời người bán hàng, thăm những người Việt sưu tầm đồng hồ ở Kharkov, Kiev, Odessa, đặc biệt là anh Lê Ngọc Qui (người Khoái Châu, Hưng Yên) hiện ở Làng Thời đại thuộc tập đoàn Sun Group, thành phố Kharkov, người sở hữu một bộ sưu tập đồng hồ Liên Xô khổng lồ, tôi mới hiểu rằng Liên Xô trước đây từng có ngành công nghiệp đồng hồ hùng mạnh. Đồng hồ đeo tay Xô viết không chỉ thiết kế đẹp, chất liệu cao cấp, mà máy còn có thể cạnh tranh về độ tinh xảo và chính xác với đồng hồ Thụy Sĩ.
Từ năm 1919, Cục Đồng hồ trực thuộc Hội đồng Kinh tế Cấp cao, đã tiến hành giám sát hoạt động chế tạo đồng hồ tại Liên Xô. Năm 1920, trên cơ sở Cục này hình thành Cơ quan quản lí cơ khí chính xác, hợp nhất 2 xưởng đồng hồ cũ Ptatov và Reinovo sản xuất đồng hồ treo tường.
Trong nỗ lực hình thành nền sản xuất nội địa, các nhà ngoại giao Liên Xô đã tiến hành những cuộc đàm phán “vô bổ” với các công ty phát triển đồng hồ Thụy Sĩ. Năm 1929, Liên Xô mua lại 2 xí nghiệp chế tạo đồng hồ Mỹ phá sản để có thể mở xưởng cho mình. Các xí nghiệp này là cơ sở hình thành Nhà máy đồng hồ quốc gia số 1 và 2, đi vào hoạt động tại Moskva thập niên 1930. Nhà máy Quốc gia đá kỹ thuật chính xác số 1 (TTK-1) được thành lập ở Peterhof (St Petersburg) trên cơ sở một xưởng chế tác đá năm 1931 để sản xuất chân kính đồng hồ. Nhờ đó, Nhà máy đồng hồ số 1 có thể xuất xưởng đồng hồ đeo tay và đồng hồ bỏ túi, còn Nhà máy đồng hồ số 2 chế tạo đồng hồ báo thức và đồng hồ điện tử.
Trước năm 1991, Liên Xô có khoảng 10 nhà máy chế tạo đồng hồ, xuất xưởng hàng trăm mác khác nhau. Ở Việt Nam, người tiêu dùng trước kia vốn đã quen với các mác đồng hồ phổ biến Poljot (Полёт); Vostok (Восток); Slava (Слава), song Liên Xô còn nhiều thương hiệu danh tiếng khác như Luch (Луч), Raketa (Paкéтa), Pobeda ( Победа), Seconda; Chaika ( чайка) cùng nhiều thương hiệu hiếm khác.
Tại các chợ đồ cũ ngày nay, sự đa dạng về thương hiệu, những serie đặc biệt kỷ niệm sự kiện lớn, thiết kệ mặt đồng hồ, chất liệu vỏ, chi tiết của máy… có thể làm bạn đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.
Nhà máy đồng hồ Moskva số 1 (mang tên Kirov) là doanh nghiệp rất thành công, xuất xưởng các đồng hồ hiệu Poljot, Strela, Sputnik, Orbita… doanh nghiệp này tới nay vẫn hoạt động. Cùng với Nhà máy đồng hồ với thương hiệu Slava, các doanh nghiệp này nay thuộc tập đoàn “Maktime”.
TTK-1 sau đó đổi tên thành Nhà máy đồng hồ Petrodvorets, từ năm 1949 cũng xuất xưởng nhiều mác đồng hồ, nổi tiếng nhất là Raketa. Nhà máy chế tạo các ngôi sao đỏ gắn trên Điện Kremli và hàng loạt bộ sưu tầm này cho đến nay vẫn gặt hái thành công trên thị trường.
Năm 1983, nhờ thương vụ thành công với công ty Pháp “LIP” tại Nhà máy mang tên Frunze (sau đó đổi thành Nhà máy đồng hồ số 3), bắt đầu sản xuất đồng hồ hiện đại mác Zvezda (Звезда).
Thời điểm bắt đầu Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại gắn sự hình thành một nhà máy đồng hồ nổi tiếng khác Chistopol (Чистополь) tại cộng hòa Tatarstan. Nhà máy này xuất xưởng nhiều thương hiệu danh tiếng như Pobeda, Mir (Мир), Vostok, Kosmos. Từ năm 1965, Chistopol trở thành nhà cung cấp đồng hồ chính thức cho Bộ Quốc phòng Liên Xô. Nhà máy tồn tại tới năm 2010, sau đó phá sản, song việc chế tạo đồng hồ được chuyển sang các xí nghiệp còn của Chistopol.
Niềm đam mê sưu tập
Hiện nay rất nhiều loại đồng hồ cơ Xô viết thu hút sự quan tâm của các nhà sưu tập cũng như những người đam mê nghiệp dư. Trước tiên phải kể đến dòng đồng hồ Poljot rất được người Việt ngưỡng mộ. Mẫu được nhiều người tìm mua là loại Poljot De luxe, 23 chân kính chống sốc, máy 2209 cực mỏng chỉ 8mm, vỏ mạ vàng 20 micrôn.
Nhiều chi tiết cơ trong đồng hồ cũng mạ vàng. Poljot De luxe mặt Atom được xem là rất hiếm vào thời điểm hiện nay. Những chiếc đồng hồ này thời Liên Xô có giá bằng cả một chiếc tủ lạnh hay xe máy. Chính vì vậy người Xô viết thường mua tặng người thân và khắc vào mặt sau đồng hồ.
Có lẽ do trong giai đoạn thập niên 1990-2000, một lượng lớn vỏ đồng hồ mạ vàng bị thu gom để phân kim nên đồng hồ vỏ mạ vàng luôn đắt giá hơn đồng hồ cùng loại vỏ không mạ vàng. Một người bán hàng quen ngoài chợ đồ cũ cho tôi biết, việc chế tạo vỏ đồng hồ khá công phu. Vỏ được chế tạo bằng các chất liệu cao cấp như thép không gỉ, đồng thau (giữ màu tốt), hay mạ nikel. Vỏ đồng hồ mạ vàng cũng làm từ thép tốt, sau đó mới đem mạ để tạo độ bền lâu dài.
Với Poljot De luxe, bạn không thể bỏ qua dòng đồng hồ tự động, không cần lên dây (Automatic) 29 chân kính, máy 2415 xuất xưởng từ năm 1964. Đáng giá hơn là chiếc Poljot De luxe tự động mặt gắn kính phóng đại để nhìn màn hình hiển thị ngày.
Đáng chú ý là chiếc “Полет Океан” chnonograph vỏ làm bằng thép không gỉ chế tạo riêng cho sĩ quan Hải quân ra đời năm 1976. Máy 3133 của đồng hồ này được chế tạo dựa trên máy Valjoux 7734 Thụy Sĩ. Bản quyền và thiết bị chế tạo cũng mua từ Thụy Sĩ, mặt kính Океан dầy 3mm làm từ sapphire. Năm 1979, dòng Океан không còn được sản xuất và thay bằng thương hiệu Стрела.
Năm 1992, văn phòng tổng thống LB Nga đã chọn thương hiệu Полет làm đồng hồ để Tổng thống trao tặng.
Chủng loại tiếp theo được người sưu tập để ý là đồng hồ chế tạo cho quân nhân, phi công, các nhà du hành vũ trụ và thủy thủ Liên Xô. Nhà sản xuất đã đầu tư rất nhiều thời gian và nỗ lực cho dòng đồng hồ này. Một số thương hiệu, dù rất phổ biến thời Xô viết, nay trở nên khan hiếm và có giá có thể lên đến hàng trăm, hàng nghìn USD. Loại đồng hồ “quân đội” chủ yếu là thương hiệu Vostok trong đó phải kể tới 2 mác Командирские và Амфибия. đồng hồ này kích thước lớn, trông hầm hố, vỏ làm bằng thép không gỉ, chống thấm nước ở độ sâu 50m hay 200m.
Амфибия thường lắp máy tự động. Ở phân khúc này, cần phân biệt đồng hồ sản xuất thời Xô viết với các đồng hồ đến nay vẫn được xuất xưởng. Điểm khác biệt của chúng là dòng chữ sản xuất tại CCCP (Liên Xô), nắp đáy, đặc biệt là dòng chữ “Chế tạo theo đơn hàng của Bộ Quốc phòng Liên Xô”. Một trong số này là Амфибия Альбатрос chế tạo cho Hải quân được nhiều người ưa chuộng.
Nói đến đồng hồ Liên Xô, ta không thể không nhắc đến sản phẩm của “Nhà máy đồng hồ Minsk” – nhà máy duy nhất ở Belarus, từng xuất xưởng các thương hiệu danh tiếng Луц, Вымпел, và Заря. Từ năm 2010, nhà máy này có phần hùn của công ty Franck Muller (Thụy Sĩ). Những chiếc đồng hồ Луц mạ vàng siêu mỏng (máy 2209) thập niên 1960-1970 từng là niềm mơ ước của giới tri thức còn đồng hồ nữ Заря từ lâu tiếng tăm đã vượt ra ngoài Liên Xô.
Nhắc tời Nhà máy đồng hồ Petrodvorets ta nghĩ ngay tới thương hiệu Raketa với nhiều dòng đồng hồ đặc biệt như đồng hồ lịch vĩnh cửu, đồng hồ giờ các thành phố, đồng hồ kiêm la bàn, đồng hồ có mặt chia 24 giờ dành cho thủy thủ tàu ngầm và các nhà thám hiểm bắc cực. “Raketa 3031” xuất xưởng năm 1967 được xem là đồng hồ tinh xảo nhất do Liên Xô chế tạo.
Với vỏ làm bằng thép không gỉ, máy tự động 33 chân kính, lịch có cả ngày và thứ, có báo thức, loại đồng hồ thử nghiệm này được bán với giá 150 Rúp – cả một gia tài thời bấy giờ. Do giá quá đắt, lại không mạ vàng, dòng đồng hồ này đã nhanh chóng chết yểu và chỉ 2.000 chiếc xuất xưởng. Chính vì vậy ngày nay nó trở thành “hàng sưu tập hiếm”.
Nói về thú sưu tập, trong thế giới bạt ngàn đó, có người Nga sưu tập đồng hồ theo thương hiệu, theo các serie kỷ niệm những ngày lễ trọng đại, có người lại sưu tập theo phong cách hình thù, thiết kế mặt đồng hồ… Chính vì thế các bộ sưu tập rất đa dạng.
Trong một cuộc trò chuyện trên chuyến tàu từ St.Petersburg về Moskva, một người Nga đồng hành, chuyên sưu tập huy hiệu và đã tặng tôi chiếc huy hiệu Đoàn Thanh niên cộng sản Việt Nam, khuyên tôi nên bắt tay vào sưu tập thứ gì đó vì các món đồ này chỉ ngày càng khan hiếm, vì vậy đầu tư vào chúng về lâu dài chắc chắn sẽ lãi to. Đó là chưa kể tới giá trị tinh thần và lịch sử mỗi khi được nâng niu, ngắm nghía những đồ vật này. Cõ lẽ cũng chính vì vậy mà tôi tìm hiểu thế giới đồng hồ cơ đeo tay Liên Xô.